Tắt đèn ngắm sao

Liệu cả một thành phố nhỏ có thể tắt hết đèn điện trong một thời điểm của buổi tối chỉ để ngắm trời sao? Đó xem ra là một điều kỳ quặc và khó thực hiện, bởi từ lâu, con người đã quen sống trong ánh sáng nhân tạo khi Mặt trời xuống. Nhưng chuyện đó đã xảy ra cuối năm ngoái ở Franeker, một thành phố có 13 nghìn dân ở Hà Lan. Chuyện gì đã xảy ra?

Các nhà thiên văn học ước đoán rằng, nếu nhìn lên bầu trời trong một đêm không trăng và không mây, mắt chúng ta có thể nhìn được khoảng 10 nghìn ngôi sao lấp lánh. Nhưng do ô nhiễm không khí và đặc biệt là ô nhiễm ánh sáng, nhất là ở các đô thị lớn, chúng ta chỉ nhìn thấy rất ít sao và đương nhiên, chắc chắn không thể thấy những mệt mờ của dải Ngân hà vắt ngang trời. Cuộc sống hiện đại đã cắt đứt mối liên hệ giữa con người với bầu trời đêm, với những ngôi sao đã làm bạn với họ từ thưở hồng hoang của loài người.

Giải pháp là gì? Tạo ra những khu bảo tồn bầu trời. Một số nước đã làm điều này (mình sẽ viết về xu hướng này trong một post khác). Nhưng điều đó không đơn giản. Một giải pháp đơn giản hơn là… tắt hết điện. Nghệ sĩ người Hà Lan Daan Roosegaarde và Tổ chức Khoa học, Văn hoá và Giáo dục của LHQ (UNESCO) đã thuyết phục được cả một thành phố Hà Lan là Franeker tắt hết điện trong một thời gian. Roosegaarde giải thích: “Chúng tôi muốn giúp đem ánh sáng cổ đại của các vì sao đến cho mọi người. Đại dịch đã khiến chúng ta trở nên cô độc hơn. Việc cùng ngắm sao sẽ đem đến cảm giác về sự kết nối và cùng thuộc về nhau”.

Ý tưởng của Roosegaarde xuất hiện trong một đêm anh lái xe dưới bầu trời đêm và thấy trên đầu mình lấp lánh sao, để rồi nhận ra rằng, ở các thành phố lớn, mọi người, nhất là trẻ em, đã mất đi thói quen ngắm nhìn bầu trời đêm do các ngôi sao đã trở nên vô hình vì quá nhiều ánh điện dưới mặt đất. Khi trình bày ý tưởng này với hội đồng thành phố Franeker, quê hương của nhà thiên văn Jan Hendrik Oort (1900-1992), mà tên của ông được đặt cho đám mây khổng lồ quanh Mặt trời ở khoảng cách một năm ánh sáng, nơi các sao chổi bắt đầu hành trình lang thang của nó, anh lập tức nhận được sự đồng ý nhiệt liệt.

Tat-den-ngam-sao-1

Nhưng trong một thành phố hơn 10 nghìn dân, tổ chức việc này không dễ. Tắt tất cả điện đóm cùng lúc không phải chỉ đơn giản là tắt công tắc, bởi điều này đòi hỏi sự phối hợp của tất cả mọi người. Thật tuyệt là người dân Franeker rất hào hứng với dự án và vào lúc điện tắt hết, mọi người bước ra khỏi nhà của họ và nhìn lên trời. Dải Ngân hà xuất hiện, các ngôi sao cũng thế, trong niềm hạnh phúc như trẻ thơ của người dân. Khỏi phải nói dự án của Roosegaarde và UNESCO đã thành công như thế nào. Nhiều thành phố khác (trong đó có những thành phố lớn hơn Franeker rất nhiều về diện tích và dân số) cũng hào hứng muốn tham gia dự án này trong tương lai, như Leiden (Hà Lan), Sydney (Australia), Venezia (Italia), Stockholm (Thuỵ Điển) và Reykjavik (Iceland).

Câu chuyện về việc cả một thành phố hợp tác trong một dự án nghệ thuật thực ra không mới. 3 năm trước, khi một bảo tàng âm nhạc ở Cremona, miền Bắc Italia, quê hương của Antonio Stradivari (1644-1737), nghệ nhân làm đàn dây bậc thầy thế giới đầu thế kỷ 18, đề nghị người dân thành phố hãy im lặng, hay đúng hơn, giảm tối đa tiếng động phát ra trong một tháng để thực hiện một dự án bảo tồn tiếng đàn cổ, họ đã được đáp ứng.

Dự án này nhằm thu âm một số tác phẩm âm nhạc trên đàn dây, với mục đích lưu giữ lại âm thanh trung thực và ngọt ngào, sống động của tiếng đàn ấy cho thế hệ sau. Họ còn muốn lưu giữ từng nốt nhạc trên những chiếc đàn cổ đã có từ 300 đến 400 năm tuổi. Đó là 4 cây đàn cello “Stauffer” của Antonio Stradivari (làm năm 1700), cây violin “Vesuvius” năm 1727 cũng của Stradivari, cây viola “Stauffer” của nghệ nhân Girolamo Amati (làm năm 1615) và cây violin “Principe Doria” của Guarneri del Gesù (1734). Nhưng để ghi âm trong thính phòng, các nghệ sĩ và kĩ thuật viên âm thanh cần một sự im lặng gần như tuyệt đối, điều có vẻ không tưởng ở một thành phố có 70 nghìn dân.

Viên thị trưởng thành phố, một người yêu nghệ thuật, đã đề nghị dân chúng thành phố hãy “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” trong thời gian từ 7/1 đến 9/2/2019, đồng thời phong toả mọi con đường vào nơi thu âm. Người dân đồng ý, và dự án diễn ra suôn sẻ. Họ ý thức được rằng, họ cần làm thế để bảo vệ những di sản của thành phố, trong đó Stradivari là nhân vật số 1, người đã đưa Cremona lên bản đồ thế giới!

Photo: Studio Roosegaarde

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *