“Tâm linh và cuộc sống vốn hòa hợp, hợp nhất, tôi lựa chọn hiểu đúng trong tỉnh thức.”
1. Bố thí là gì?
Hai từ “bố thí” gieo vào tâm trí bạn từ bao giờ? Cho tới giờ, mình vẫn ấn tượng mạnh về câu chuyện trong thời thơ ấu, thấy bà nội mời người ăn xin ngồi ăn dùng cơm trưa với món giá xào thịt còn thừa, một ngày mùa đông. Với mình khi đó, bố thí là mình có thừa cái gì không dùng tới, thừa thãi lại thì mới cho đi. Kiểu như nếu mình nhận được sự bố thí thì đồng nghĩa rằng mình là kẻ yếu, thiếu thốn… như một người ăn xin. Lớn hơn chút, mình thêm băn khoăn khi đọc được trong 10 điều răn dạy của Phật là “An ủi lớn nhất của đời người là bố thí”. Tại sao lại là an ủi lớn nhất, chẳng phải khi ấy mình khốn khổ lắm sao, phải hạ mình chìa tay xin người ta một thứ gì đấy mà nhận về sự thừa thãi nơi họ. Kể cả hồi trưởng thành, đứng trước các vị đại giác ngộ, mình vẫn ưu tiên đặt câu hỏi đó lên đầu.
Và câu trả lời đến với mình không phải là một lời giáo huấn, một câu chuyện minh họa mà thông qua trải nghiệm thực tế, để cảm nhận sâu sắc được hai từ “bố thí” chính là tình yêu thương vô điều kiện.
2. Phát tâm vô trụ
Năm ngoái, mẹ mình đi chữa bệnh theo phương pháp diện chẩn của một chú tầm hơn 50 tuổi. Mình thì là đứa có duyên với chữa bệnh, hoặc nếu có mang ai đi khám chữa, bốc thuốc thì sẽ bệnh nặng hóa nhẹ, bệnh nhẹ hóa không có. Kiểu “mát tay”, “tốt vía” nên cũng nửa đùa nửa thật xin chú nhận đồ đệ, truyền lại các bài diện chẩn, thêm một phần lớn là thấy việc chữa bệnh là cứu mạng trực tiếp nên muốn có “công cụ” phù hợp để giúp được nhiều người trong cuộc sống. Ngồi nghe chú kể chuyện ngày xưa vì cứu bố ung thư nên chú hạ quyết tâm học ngón nghề này, nên phải thấu hiểu tận cùng về tình cảm gia đình rồi chú sẽ truyền dạy cho tất cả. Trong giây phút đó, nhìn chú chữa bệnh cho một người lạ, mình chỉ trào dâng câu hỏi: “Liệu mình có thể hết lòng chữa cho người khác như thể đó là bố mẹ, anh chị em ruột thịt của mình chưa?”/ “Chưa!”. Quả thật, mình vẫn còn so sánh, phân biệt trong đối xử! Đấy là sự thật. Bạn thì sao?
Tại buổi đối thoại trong Kinh Kim Cương của Đức Thế Tôn và ngài Tu Bồ Đề, Bụt đã giáo huấn thâm sâu rằng: “Khi phát tâm bồ đề vô lượng thì nên buôn bỏ tất cả các khái niệm, không nên dựa vào sắc mà phát tâm, không nên dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô trụ … Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát còn dựa vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ Tát không dựa vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được tất cả mọi hình và mọi sắc”. Phát tâm vô trụ – yêu thương vô điều kiện là đây.
3. Cho đi và Đón nhận vốn dễ mà
Tuy nhiên, thông thường, vì bản ngã yêu thích những gì ích kỉ, hẹp hòi, vụ lợi nên ta muốn nhận nhiều hơn cho.
Quý ngài đây có sẵn sàng hoan hỉ chia sẻ thị trường to lớn với bạn bè mà không cần nhận quà cảm ơn, ân nghĩa cưu mang không?
Quý ngài đây có sẵn sàng hoan hỉ trích ra 10% thu nhập hàng tháng để san sẻ với các hoàn cảnh yếu thế hơn không?
Quý ngài đây có sẵn sàng hoan hỉ cho đi tất cả những đồ đạc mà trong vòng 3 tháng nay không được sử dụng đến không?
…
Trong thuyết về “Bánh xe cuộc đời” được chia thành 8 phần bằng nhau. Nay chỉ xin bàn về 2 phần Cho đi – Đón nhận. Thử hỏi, nếu Cho đi thì ít, Đón nhận thì nhiều, khi ấy hẳn bánh xe sẽ méo mó, liệu có lăn bánh chuyển động được hay chăng?
Nhưng hỏi ngược lại rằng “cuộc sống vật chất của tôi chỉ đủ để sống, đâu có dư dả mà cho đi!”. Vâng, cho đi ở đây không chỉ là tiền bạc đâu ạ. Tặng nhau một nụ cười, một ánh nhìn trìu mến, một cái ôm cảm thông… đúng lúc cũng giúp người khác thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao.
Tự chữa lành – Vibes of u