Bài học từ chiếc giá sách cũ

Chiếc giá sách cũ bố tôi đóng từ hồi tôi 8 tuổi, đến bây giờ, nó vẫn rất vững trãi. Nó cũng là một trong những món đồ lâu đời nhà tôi (cùng bộ nồi mẹ tôi dùng cách đây hơn 20 năm). Dù chiếc giá sách nho nhỏ, chỉ có 6 ngăn be bé nhưng với tôi đó là điềm tốt, cho mình nhiều bài học thú vị về cuộc sống tối giản.

Less is more

Minimalism, Less is more giờ đây không chỉ là phong cách sống mà đã trở thành một trường phái của số không nhỏ các bạn trẻ. Ngay cả Gen Z – thế hệ mới năng động, đa sắc màu như những chú tắc kè hoa thì đây cũng là một lựa chọn hàng đầu về lối sống. Có một sự thật “đau lòng” với phần lớn người đọc sách đó là khi ở hiệu sách rất hào hứng lựa chọn rồi tưởng tượng hàng loạt hình ảnh mình sẽ ngồi nhâm nhi ly café, tay cầm cuốn sách đọc quên tháng ngày – một cảnh tượng đẹp tuyệt vời đúng không nào? Nhưng sau khi tha một đống sách về thì chúng rơi vào tình cảnh xếp xó, chồng đống, để ngắm qua ngày. Vì bạn luôn chờ cảm-hứng-đến. Tin tôi đi, cảm hứng là một đứa chảnh nhất thế giới, không phải cứ chờ là nó đến đâu! Điều này vô tình “giúp” chúng mình tích tụ khối năng lượng của sự trì trệ, đứng yên, bị động.  Càng nhiều càng ít mà càng ít càng nhiều. Chiếc giá sách nhỏ đương nhiên đồng nghĩa với số lượng trên đó sẽ hạn chế, nhưng mình thích gọi nó là sự đủ hơn. Sự tối giản về thể loại, số lượng giúp mình chọn lọc được đúng những cuốn sách thực sự cần trong từng thời điểm, bỏ đi các năng lượng thừa thãi. Dù bạn thấy khó tin, nhưng các cuốn sách chỉ ngồi yên thôi cũng chiếm một góc trong cơ thể năng lượng của bạn đấy. Và ai mà chẳng muốn thân thể mình thanh thoát, nhẹ nhàng phải không nào?

Tuy nhiên, làm thế nào để biết rõ đâu là sách mình cần. Bạn có thể áp dụng hai cách như sau:

Phương thức số 1: “Ma trận Eisenhower”

Là một phương pháp giúp giải mã những loại công việc nào được xếp loại khẩn cấp, được ưu tiên giải quyết hơn bất cứ công việc nào khác. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng các nguyên tắc này để tổ chức và sắp xếp công việc cho tốt hơn mang lại năng suất và hiệu quả làm việc tối ưu (Bạn có thể tham khảo kĩ hơn về phương pháp này trong cuốn sách Bí quyết áp dụng 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt). Mình áp dụng nó trong việc lựa chọn sách lên kệ như sau:

1. Quan trọng và khẩn cấp: Sách cung cấp tri thức liên quan trực tiếp tới công việc, ứng dụng vào công việc và đời sống hàng ngày.

2. Quan trọng nhưng không khẩn cấp: Sách phát triển bản thân, mở mang kĩ năng, học hỏi thêm từ chuyên gia

3. Khẩn cấp nhưng không quan trọng: Sách đọc để thu thập thông tin gấp.

4. Không khẩn cấp và không quan trọng: Sách truyện giải trí, thư giãn. Sách mua vì thấy đáng yêu!

Phương thức thứ 2: Nhiệt độ tương tác

Phương pháp này áp dụng với tình trạng sách bạn đang có sẵn. Hãy sắp xếp sách theo chủng loại và theo “nhiệt độ” tương tác (đọc, nhớ đến, đã có kế hoạch nghiên cứu…). Dùng tag đánh dấu, hoặc phân nhóm lạnh – ấm – nóng tương đương mức nhiệt độ. Khoảng nửa tháng, 1 tháng sau nhìn lại bạn sẽ có danh sách đúng những cuốn sách nào không cần thiết, vẫn ở mức “lạnh” mà vẫn chễm chệ nằm trên kệ để sẵn sàng xếp vào đội hình kế hoạch dài hạn hoặc tặng cho người khác cần hơn. Mấy chiếc tag xinh xinh đáng yêu bạn có thể mua hoặc tự làm, nên cách này thì có vẻ phóng khoáng, cute hơn ấy nhỉ!

Tiết kiệm là quốc sách

Tuy nhiên, giữa ma trận thông tin truyền thông và bùng nổ sách phát hành mới mỗi ngày thì việc quyết định mua một cuốn sách diễn ra trong tiktak. Đôi khi vì mọi người khen quá trời, hay bài quảng cáo xuất hiện liên tục trên bảng tin và bạn bị ám thị, hoặc đơn giản là chiếc bìa sách quá đáng yêu…! Nhưng, khi tôi gọn gàng và lựa chọn hợp lí, khoa học, tôi luôn để đủ số lượng mình cần trong phòng và như thế, chiếc giá sách vừa đủ giúp tôi không sa vào mua sắm nhiều sách theo xu hướng. Bạn cứ tính đơn giản, nếu bạn nằm trong 14% độc giả mỗi tháng một lần được phố Đinh Lễ cũng cờ hoa vậy gọi, xách xe lên và đi, ôm về sương sương đâu đó hơn chục quyển, rồi cộng với sách mua online, được tặng, đi mượn… thì chả mấy mà giá sách sẽ nở ra trông thấy và khoản chi cho sách là không nhỏ đâu. Đó là chưa tính đến việc nếu bạn kĩ tính thì sẽ đầu tư thêm việc bọc, bảo quản sách.

Nhưng khi chuyển đổi số sách ấy sang việc đọc tại thư viện thì bạn “được” nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Lệ phí làm thẻ tại Thư viện Quốc gia chỉ có 120k/năm, 1 năm đó ạ, chỉ bằng một cuốn sách vừa, mà còn được đọc gần full tuần luôn.

Vậy đó, con đường sách lúc nào cũng thênh thang mời gọi. Bạn yên tâm rằng giá sách nhỏ không đồng nghĩa với đọc ít sách đi đâu nha!

Học cách nói không

Khi tự từ chối được nhu cầu của chính mình một cách thành thật thì bạn cũng sẽ quản trị cuộc sống và công việc gọn ghẽ hơn. Bài học về sự từ chối còn khó hơn là chấp nhận mà. Từ những cuốn sách be bé cho tới các mối quan hệ, những câu chuyện tầm phào, đâu là năng lượng bạn thực sự muốn kết nối thì hãy kết nối.

Chiếc não của mình đôi khi không đứng về phía mình cho lắm, làm ta cứ thẳng tay ấn mua liên tục dù đã dặn lòng phải nói không. Nên bạn có thể áp dụng một số tips này nhé:

  • Ẩn quảng cáo: nhiều cuốn sách được hiển thị quá nhiều trên bảng tin, khiến bạn lầm tưởng đó là thông điệp mình thực sự. Bạn hãy ấn ẩn quảng cáo ngay-lập-tức!
  • Cho vào giỏ hàng: đúng vậy, bạn cứ cho vào giỏ hàng đi, nhưng đừng ấn mua. Để đó khoảng 10 ngày sau mà bạn thấy vẫn cần thì lúc ấy mới chốt mua nhé. Kinh nghiệm bản thân là có nhưng quyển mình để trong giỏ 3 tháng sau vẫn chưa quyết mua. Đúng là, thời gian sẽ trả lời tất cả!
  • Hỏi ý kiến người thân: nếu đi mua sách 1 mình dễ làm bạn lung lạc ý chí thì rủ ngay mấy đứa bạn thân đi tư vấn. Song, cần cẩn thận đây là con dao hai lưỡi nếu không muốn hai đứa “sa đọa” như nhau. Hãy luôn tỉnh táo!
  • Mang đủ số tiền dự kiến: Với mọt sách thì từ chối sách sẽ khó hơn từ chối lời mời đi chơi của crush. Nên là, một chiếc ví mỏng sẽ giúp bạn từ chối những cuốn sách phát sinh ngoài dự kiến. Còn nếu “vật” quá, thì trở lại các tip trên. Mà khi đã thực hiện hết các tip rồi vẫn “vật”, bạn yên tâm, mai quay lại nhé!

Đây là những bài học nho nhỏ từ chiếc giá sách cũ của mình. Bạn thì sao, có chia sẻ nào về việc sắp xếp, quản lí sách, đọc sách hiệu quả… thì cùng bình luận ở dưới nha.

Tự chữa lành – Vibes of u

* Nội dung này chắc chắn bạn sẽ cần:

4 cuốn sách tâm linh cho người mới bắt đầu tìm hiểu về năng lượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *